Lượt xem: 339

Niềm tự hào của ngành Kiểm sát Sóc Trăng

Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước dành tặng cho Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng - Lâm Thị Ngọc Sương chính là sự biểu dương, tôn vinh về những đóng góp, cống hiến, nỗ lực không ngừng mệt mỏi dành cho nữ kiểm sát tận tụy với nghề. Đó vừa là niềm vinh dự của riêng chị và cũng là niềm tự hào của Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp Sóc Trăng.

 


Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thừa ủy quyền trao Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng chí Lâm Thị Ngọc Sương 

 

    * Chuyên môn vững vàng

    Xuất thân từ một gia đình thuần nông với vẻ ngoài hiền lành, thật thà, chân chất mà lại âm thầm tạo nên những “chiến công” đột phá khiến các đấng mày râu phải nể phục và bao đồng nghiệp thầm ngưỡng mộ. Hơn 30 năm vào nghề mà chị có tới 17 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 4 lần là Chiến sĩ thi đua ngành, nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bằng khen của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, của Ủy ban nhân dân tỉnh… và nay được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Thế mà khi hỏi về “công trạng”, tôi chỉ nhận đươc cái lắc đầu của chị Sương với lời giải thích khiêm tốn: “Tôi chỉ nỗ lực, cố gắng hết mình để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Tôi thấy mình vẫn còn những hạn chế nhất định cần phải cố gắng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu thực tiễn công tác”.

    Nhớ lại những ngày bước vào nghề đầy bỡ ngỡ của cô sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm, chẳng biết gì đến ngành Kiểm sát. Được cái, thời ấy chị đánh máy khá thành thạo nên được “chiêu mộ” vào nhân viên Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Bản chất cần cù của gia đình thuần nông và nhiệt huyết của tuổi trẻ khiến chị tích cực, miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu. Người ta thấy chị cần mẫn như con ong, kiên trì như tảng đá và nhiệt huyết như ngọn núi lửa đang phun trào. Rồi lãnh đạo đơn vị cân nhắc, tạo điều kiện cho chị tham gia các lớp, các khóa học để nâng cao chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác. Thế là chị vừa học, vừa làm vừa nghiên cứu, học hỏi từ những người đi trước. Nhờ vậy, chị từ không biết gì trở thành cái gì cũng biết, cũng nắm chắc nên đã tham mưu hiệu quả, đắc lực cho lãnh đạo. Năm 2007, chị được đề bạt giữ vị trí Phó chánh Văn phòng và đến năm 2011 được bổ nhiệm Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.

    Tuy không nói ra nhưng nhiều người vẫn có tư tưởng, công tác văn phòng là người “ngồi mát, ăn bát vàng”, nào biết rằng họ phải âm thầm với những áp lực công việc không nhỏ, nhất là ở vai trò quản lý cần phải làm tốt công tác “đối nội, đối ngoại” và vững về chuyên môn để làm tốt công tác thẩm định, đề xuất, tham mưu với lãnh đạo. Như vậy, Chánh văn phòng của cơ quan tư pháp phải có cái đầu “bách khoa” và phải biết “làm dâu trăm họ”. Trước hết, phải tập hợp được sự đồng lòng, đoàn kết, thống nhất là tập thể phòng với nhiều công việc khác nhau và trình độ không đồng đều. Đặc thù của ngành Kiểm sát là tất cả hoạt động, văn bản phải chuẩn và chính xác. Do đó, Văn phòng phải luôn có sự cải tiến và đưa ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng trên các mặt công tác như tham mưu, tổng hợp, thống kê tội phạm, thi đua - khen thưởng, hành chính, quản trị để tham mưu cho lãnh đạo và tạo điều kiện để các đơn vị hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ.

    Chỉ nói riêng về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê, quản lý hành chính nghiệp vụ và điều hành tác nghiệp trong hai cấp kiểm sát đã khá lớn. Bởi để có được một bản báo cáo thật chính xác, đầy đủ thì đòi hỏi người làm công tác này phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ và có cả sự tư duy, khoa học. Rồi đến công tác tham mưu lãnh đạo viện trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn ngân sách được giao một cách tiết kiệm, đúng uy định,... đều bắt buộc Chánh Văn phòng phải nắm rõ quy trình, quản lý thực hiện đúng quy định. Thách thức lớn như vậy, song tất cả chẳng thể làm khó được chị Lâm Thị Ngọc Sương. Minh chứng là với trên 10 năm phụ trách nhưng chị không để sai sót trong công việc, góp phần làm nên thành tích của tập thể đơn vị.

    * Hiệu quả, chất lượng trong công việc

    Hằng năm, căn cứ vào chỉ thị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và nghị quyết của Tỉnh ủy, chị Sương đều chủ động xây dựng kế hoạch công tác của đơn vị. Trong đó, đề ra các chỉ tiêu cụ thể, sát với điều kiện thực tế của địa phương; xác định mục tiêu, nhiệm vụ, khâu công tác đột phá và các giải pháp trọng tâm để tham mưu tổ chức triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức trong hai cấp quán triệt thực hiện. Đồng thời, chủ động tham mưu xây dựng chương trình thi đua, khen thưởng một cách cụ thể, chi tiết, phân công trách nhiệm rõ ràng. Các nội dung thi đua được tập trung vào việc đổi mới nâng cao vai trò, trách nhiệm, phát huy sáng kiến, cải tiến phương pháp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành hai cấp kiểm sát, giúp lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nắm quản lý và xử lý các thông tin có liên quan đến công tác kiểm sát, tổ chức thực hiện những chủ trương, quyết định...

    Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bản thân chị đã thấy được những khó khăn, vướng mắc trong từng bộ phận công tác của Văn phòng nên đã đề ra các giải pháp thực hiện đạt chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, phải kể đến 2 sáng kiến được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao công nhận là:“Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác tham mưu tổng hợp trong hai cấp kiểm sát Sóc Trăng”; “Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác Văn phòng tổng hợp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng”. Nhờ vậy, tập thể Văn phòng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 5 năm mà có tới ba lần được Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tặng “Cờ dẫn đầu phong trào thi đua Khối”.

    Đồng nghiệp quý mến, nể trọng, lãnh đạo tin tưởng không chỉ về chuyên môn vững chắc mà cả về ý chí, lối sống và cách sống của nữ kiểm sát viên. Trong chị Sương luôn tỏ sáng tinh thần ham học, tìm tòi, vận dụng tốt các kiến thức khoa học - công nghệ; nghiên cứu, tham mưu, đề xuất lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm đối với từng công việc cụ thể, nâng cao trách nhiệm cá nhân trước tập thể và nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công việc. Chị còn là cán bộ tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân.

    Trong quý IV/2022, chị Lâm Thị Ngọc Sương được điều động đến công tác tại huyện Long Phú, giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện. Đó vừa là cơ hội để trải nghiệm nhưng cũng là thách thức lớn. “Tôi cám ơn lãnh đạo ngành, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bản thân tôi sẽ cố gắng và cố gắng nhiều hơn nữa với vị trí, vai trò mới, ở một địa bàn mới”, Chị Sương chia sẻ.

    Bằng quyết tâm, bản lĩnh nghề nghiệp, đạo đức trong sáng, sự dạn dày kinh nghiệm chắc chắn, chị Sương sẽ còn tiến xa hơn nữa. Tôi tin rằng, dù ở vị trí công tác nào, chị mãi xứng đáng là cán bộ tiêu biểu, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, đạo đức sáng ngời là niềm tự hào của ngành Kiểm sát Sóc Trăng và là tấm gương cho các thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Sớm Mai



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 55
  • Hôm nay: 3133
  • Trong tuần: 72,466
  • Tất cả: 11,866,493